Đối tượng khách hàng nào cho Bphone 2017?
Vừa qua, sự kiện ra mắt Bphone 2 đã chính thức được khai mạc, tuy nhiên, sự kiện ra mắt lần này của mẫu điện thoại “made in vietnam” không thật sự ồn ào như lần ra mắt đầu tiên vào năm 2015.
Chiến lược cốt lõi của Bkav trong lần ra mắt này sẽ là bước đệm cần thiết cho tham vọng chinh phục thị trường. Mẫu Bphone 2017 giới thiệu đến người dùng đã khắc phục thành công nhiều nhược điểm so với “người tiền nhiệm”, thông điệp chính lần này mà CEO của Bkav, Nguyễn Tử Quảng vẫn rất “đỉnh” : “Chúng tôi gọi đó là chất”.
Nếu phân tích các kiểu theo hướng chủ quan thì dường như Bphone 2017 có tỷ lệ P/P (Price/Performance) lớn hơn 1, ngang ngửa với một số dòng smartphone hiện đại. Bphone 2017 có những đặc điểm tốt hơn so với những mẫu smartphone cùng thị phần đang được phân phối ở Việt Nam như : sở hữu sạc nhanh Quick Charge 3.0, camera có AI và hỗ trợ 4K, có chống rung quang học, chip xử lý nhạc 32 bit 384 KHz có DAC rời, tích hợp sẵn phần mềm chống tin nhắn rác.
Nhược điểm khá lớn của Bphone 2017, bị cộng đồng mạng “ném đá” nhiều nhất nằm ở tại cấu hình chip Snapdragon 625 và RAM 3 GB, các yếu tố rất hay bắt gặp tại một số dòng smartphone có giá rẻ hơn mức 9,789 triệu đồng của Bphone. Có vẻ như Bkav đã phải cắt giảm thông số này để tăng thời lượng pin, bù trừ cho chi phí camera và thân kim loại nguyên khối hai mặt kính.
Hiểu một cách nôm na là, hãng này đã cố thiết kế một mẫu smartphone an toàn, có những thông số kỹ thuật tốt như tính thời trang, cấu hình máy, màn hình hiển thị, pin dài, camera selfie tốt, nghe nhạc hay… nhưng những điều này không thể nào làm thỏa mãn nhóm đối tượng yêu thích cấu hình bên trong máy.
Tại buổi lễ giới thiệu, CEO Trần Kinh Doanh của Thế Giới Di Động khi được phỏng vấn về Bphone 2017 : “’nếu có 10 triệu, có lựa chọn sử dụng Bphone 2017 hay không’ đã chia sẻ rằng “sẽ mua nếu chưa có điện thoại sử dụng”.
Nếu hiểu theo ý của vị CEO này thì hiện nay những người chưa từng sở hữu 01 chiếc smartphone nào tại Việt Nam là khoảng 33% (số liệu dựa của GfK, tính đến tháng 7 năm nay). Tuy nhiên, một giải thiết được đưa ra là nếu những đối tượng này muốn lựa chọn một chiếc smartphone để sử dụng thì liệu các đối tượng này có chọn ngay Bphone 2017 khi nó có giá 9,789 triệu đồng?
Cũng theo thống kê từ GfK, phân khúc giá từ 6 đến 10 triệu (cũng là nhóm giá mà Bphone 2017 đang lựa chọn), hiện đang chiếm tỷ trọng khoảng 9% tại Việt Nam. Trong khi đó, đa số người Việt mua smartphone trong tầm giá 3-6 triệu đồng (chiếm 36,3% thị trường).
Chính vì thế, thực tế Bphone 2017 sẽ phải so kè trực tiếp cùng những mẫm smartphone cao cấp khác. Mẫu smartphone này thật sự không dành cho đại đa số mọi người và chắc chắn là cách quá xa so với các đối tượng có thu nhập thấp. Ưu điểm mạnh nhất hiện nay của Bphone chỉ là cái mác “made in Vietnam” và có hệ thống của Thế Giới Di Động hỗ trợ đưa đến tay người dùng thay vì chỉ bán trực tuyến như trước.
Với toàn bộ 1500 cửa hàng xuất hiện trên toàn quốc và chiếm ½ thị phần, Thế Giới Di Động là mục tiêu hàng đầu của tất cả các tập đoàn sản xuất smartphone trên toàn thế giới. “Tuy nhiên, việc các sản phẩm của các tập đoàn này có thể phân phối tại Việt Nam chỉ là một sự cam kết cho bước tiến ban đầu. Và nếu như sản phẩm của bạn không đủ “chất”, thì khách hàng sẽ quay lưng lại với bạn”, ông Trần Kinh Doanh chia sẻ.
Trên website cho đặt hàng của hệ thống Thế Giới Di Động, hiện đã có 513 người dùng quyết định đặt mua Bphone 2017. Vẫn chưa có thông tin nào đề cập đến vấn đề liệu mẫu smartphone này còn xuất hiện ở hệ thống nào nữa hay chỉ độc quyền duy nhất tại Thế Giới Di Động. Ngoài ra, nhiều chủ cửa hàng nhỏ lẻ tại Việt Nam hiện nay vẫn “án binh bất động” là chủ yếu, họ muốn chờ đợi một sự bùng nổ cho dòng smartphone này trước khi chính thức tham gia.