10 phần mềm giả lập Android tốt nhất hiện nay
Gõ từ khóa “Phần mềm giả lập Android” trên trang tìm kiếm Google, bạn sẽ nhanh chóng tìm thấy được hàng chục kết quả khác nhau. Thật khó để đánh giá phần mềm nào thì tốt và phù hợp với PC hay laptop của mình. Nếu có cùng mối quan tâm, mời bạn hãy cùng tìm hiểu 10 phần mềm giả lập Android tốt nhất hiện nay trong bài viết dưới đây.
Phần mềm giả lập Android – Chơi game cực đã không lo làm hại “dế yêu”
Với ưu thế là được xây dựng từ mã nguồn mở, hệ điều hành Android nhanh chóng là nơi lý tưởng để các lập trình game thỏa sức sáng tạo. Hàng loạt các trò chơi được đầu tư kỹ càng từ đồ họa, âm thanh, nội dung mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho các game thủ. Nhưng việc cày game liên tục trên điện thoại sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến độ bền của thiết bị và chính thị giác của người sử dụng.
Thật may mắn, các nhà phát triển đã tạo ra Phần mềm giả lập Android cho phép người dùng chơi game điện thoại ngay trên các máy tính. Nếu như phần mềm tạo localhost để ứng dụng trong thiết kế website trong các công ty lập trình web (được sử dụng thường xuyên tại công ty Mona Media) thì phần mềm giả lập Android là một trợ thủ đặc lực cho các công ty lập trình app mobile hoặc những người thường xuyên chơi game trên điện thoại.
Vậy là bạn có thể thoải mái “cày” trò chơi yêu thích với màn hình lớn mà chẳng phải lo làm hại đến “dế yêu” rồi nhé!
1. Phần mềm Bluestacks – Lựa chọn thông dụng nhất cho các game thủ
Trong cộng đồng những người yêu thích các trò chơi trên điện thoại thì chắc không ai xa lạ gì với phần mềm giả lập Android – Bluestacks. Xét về sự linh hoạt, phần mềm này hoạt động tốt trên cả máy tính cài hệ điều hành Windows và Mac. Về tính năng, Bluestacks có khả năng làm việc ổn định, hiệu suất làm việc nhanh, đi kèm nhiều tiện ích hỗ trợ như: xem toàn màn hình, chơi nhiều game 1 lúc, livestream Facebook,…
Sở hữu rất nhiều tính năng cao cấp nên Bluestacks cũng là một phần mềm giả lập cho điện thoại Android có yêu cầu cấu hình cao nhất hiện nay. Để có những trải nghiệm mượt mà nhất, Pc hay laptop của bạn nên có card màn hình. Nhược điểm khác của phần mềm là thường xuyên xuất hiện quảng cáo và thỉnh thoảng có lỗi nhỏ khiến người dùng khó chịu.
2. Nox App Player – Phần mềm giả lập Android đáng để trải nghiệm
Cái tên tiếp theo mà chúng tôi muốn nhắc đến trong danh sách, đó là Nox App Player. Hãng là một trong những người tiên phong khi phát triển hệ thống giả lập, thiết kế để game thủ có thể điều khiển trò chơi bằng cách sử dụng bàn phím và chuột.
Cụ thể, hãng đã mô phỏng lại các động tác như vuốt màn hình trên điện thoại và nó tương ứng với phím mũi tên tương ứng trên bàn phím. Nhờ có hệ thống phím tắt độc đáo, những game thủ yêu thích các trò chơi đòi hỏi tốc độ phản ứng cao sẽ luôn tự tin thể hiện bản lĩnh. Bên cạnh hệ thống phím độc đáo, Nox cũng cung cấp thêm những tính năng tiện lợi như chụp trực tiếp, quay video màn hình, hỗ trợ cài đặt từ file APK,…
Nhìn tổng quan, Nox App Player là phần mềm giả lập Android có chất lượng tốt và miễn phí rất đáng để cho các game thủ trải nghiệm. Nếu bạn không phải là game thủ thì cũng có thể sử dụng phần mềm này như một công cụ để kiểm tra, test thử các phần mềm trên chợ ứng dụng Google Play Store.
3. Giả lập Android Droid4X – Ưu điểm nằm ở sự gọn nhẹ, tiện lợi
Android Droid4X không phải là cái tên nổi tiếng như những phần mềm giả lập Android mà chúng tôi vừa kể ở trên. Thế nhưng phần mềm vẫn sở hữu một lượng người dùng lớn và liên tục tăng thêm trong thời gian gần đây. Nguyên nhân chính là bởi sự gọn nhẹ, tiện dụng.
Không tập trung quá vào các tính năng cao cấp, Android Droid4X tập trung và tối ưu những tính năng cơ bản, đồng thời không bắt cài thêm phần mềm hay xem quảng cáo. Nhờ vậy mà phần mềm trở lên gọn nhẹ, hoạt động mượt mà ngay trên cả những máy tính có cấu hình vừa phải. Nếu đã dùng thử Android Droid4X, chắc chắn bạn sẽ không muốn đổi sang sử dụng phần mềm nào khác.
4. Giả lập Android AMIDuOS – Sở hữu phần mềm cao cấp với mức giá tiết kiệm
Phần mềm giả lập Android AMIDuOS hay được gọi với các tên ngắn gọn hơn là DuOS, được phát triển bởi công ty công nghệ hàng đầu tại Mỹ – Megatrends. DuOS sử dụng “Công nghệ ảo hóa” tương đối mới hoạt động mượt mà, dù làm việc hay chơi game đều tốt. Phần lớn người dùng đều đánh giá cao và lựa chọn giải quyết công việc như khi sử dụng điện thoại.
Một điều đặc biệt khác của AMIDuOS là hỗ trợ gắn thêm Gamepads – cho phép người dùng chơi game điện thoại như khi giải trí với các máy chơi game chuyên nghiệp. Phần mềm cũng cho phép bạn thay đổi cấu hình bằng cách giới hạn dung lượng RAM sử dụng, chỉ số khung hình trò chơi,…
Bên cạnh những ưu điểm, phần mềm này cũng có những nhược điểm nhỏ. Để sử dụng AMIDuOS, bạn cần phải cài đặt thêm Microsoft Net Framework 4.0 hoặc cao hơn. Bạn có thể trải nghiệm miễn phí phần mềm này trong vòng 30 ngày. Nếu muốn sử dụng thêm, bạn cần lựa chọn mua giữa 2 phiên bản: Android 5.1 Lollipop (10 USD) và Jelly Bean (15 USD).
5. Giả lập MEmu – Vừa chơi game vừa làm việc nhưng vẫn hiệu quả
Phần mềm giả lập Android MEmu là một cái tên còn khá mới với nhiều người dùng. Tuy mới được ra mắt trong thời gian gần đây nhưng MEmu được nhiều người quan tâm, đánh giá cao nhờ những công nghệ, tính năng mới bên trong. Các tính năng nổi bật ở MEmu như nhân đôi ứng dụng, hỗ trợ chơi game bằng tay cầm, chia sẻ file APK,…
Sử dụng MEmu, người dùng có thể thiết lập và can thiệp rất sâu vào hệ thống giả lập. Nếu không am hiểu, bạn có thể để chương trình tự động tối ưu các chỉ số như CPU, dung lượng bộ nhớ, chế độ root hay mức phân giải màn hình. Hiện nay phiên bản mới nhất của MEmu cũng đã cập nhật lên Android Lollipop 5.0, mang lại cho bạn những trải nghiệm mới nhất.
Hiệu năng của MEmu được đánh giá cao khi cho phép người dùng có thể vừa chơi game lại vừa làm việc.
6. Giả Lập Andy OS – Sự lựa chọn thay thế hàng đầu cho BlueStacks
Nếu muốn tìm kiếm một phần mềm giả lập Android có khả năng thay thế cho BlueStacks thì hãy thử tham khảo Andy OS. Theo ý kiến đánh giá của nhiều người dùng, Andy có hiệu suất và tốc độ xử lý công việc tương đối nhanh. Phần mềm này cũng có dung lượng tương đối nhẹ không chiếm quá nhiều diện tích của ổ cứng.
Nhiều chương trình giả lập Android hiện nay chỉ cho phép cài đặt và hoạt động trên hệ điều hành Windows. Tuy nhiên, Andy lại còn tốt hơn thế khi được phát triển để chạy được cả trên cả Mac OS X. Đây là tin vui cho những các tester hay những người đam mê công nghệ muốn trải nghiệm hệ điều hành Android.
Một ưu điểm khác của Andy là cho phép đồng bộ dữ liệu giữa các thiết bị với nhau, đảm bảo cho người dùng có thể truy cập vào một tập tin từ nhiều thiết bị. Cũng nhờ vậy mà dữ liệu trong máy của bạn luôn được giữ an toàn. Bạn có thể thoải mái chỉnh sửa, cài thêm các chương trình mà không cần quá lo sợ ảnh hưởng đến chiếc điện thoại.
7. Trình giả lập Genymotion – Sử dụng công nghệ mới cho hệ thống
Mục tiêu phát triển của Genymotion không tập trung vào việc hỗ trợ cho người dùng chơi game như các phần mềm khác. Nó hướng đến đối tượng là các nhà sản xuất, lập trình viên muốn tự viết chương trình và muốn xem thử hoạt động trong hoàn cảnh thực tế. Nhờ vậy mà họ có thể sớm phát hiện ra các đoạn mã lỗi, tiến hành sửa chữa. Sử dụng Genymotion bạn có thể tạo hàng loạt các Beta của phần mềm, đưa cho khách hàng trải nghiệm thử mà không lo bị lộ hay đánh cắp.
Tính năng đáng giá nhất của Genymotion là công nghệ tạo máy ảo, bạn có thể tạo hàng loạt các máy ảo và cho chạy cùng một lúc. Tuy nhiên, để sử dụng được Genymotion, bạn cũng bắt buộc phải có bản Android SDK và chương trình VirtualBox mới nhất.
Do thiết kế chủ yếu cho lập trình viên nên phần mềm này yêu cầu quá trình thiết lập và cài đặt khá phức tạp. Bạn còn cần phải trả phí nếu muốn sử dụng thêm các tính năng nâng cao. Nhưng nếu nhu cầu không quá nhiều, người dùng hoàn toàn có thể sử dụng gói cá nhân hoàn toàn miễn phí.
8. Trình giả lập KoPlayer – Tối ưu tốt các phím chức năng hỗ trợ
Điều đầu tiên cần phải nói là KoPlayer là phần mềm giả lập Android trên máy tính dành cho game thủ. Mọi tính năng của phần mềm đều được các nhà phát triển và lập trình viên tối ưu tối đa cho mục đích này. KoPlayer có quá trình cài đặt tương đối đơn giản, hoạt động ổn định và dễ sử dụng ngay cả với người mới làm quen.
Nhờ tính năng ánh xạ bàn phím, người dùng có thể chơi game điện thoại tốt bằng bàn phím máy tính. Trên giao diện chính của mình, KoPlayer cung cấp hàng loạt các phím tắt hỗ trợ. Nếu đang chơi game đến thời điểm kịch tính, bạn sẽ chỉ mất chưa đến một giây để nhấn vào nút ghi hình lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ, sau đó chia sẻ lên website hay mạng xã hội.
Nhận được nhiều đánh giá cao về các tính năng, KoPlayer cũng nhận được nhiều lời khen về các bố cục và giao diện. Màn hình mặc định sử dụng tông màu êm dịu, không làm lóa mắt người dùng. Cột tính năng được để sang một bên giúp người dùng nhanh chóng thao tác. Ngoài ra, bạn cũng có thể điều chỉnh màn hình làm việc cho tiện lợi hơn.
9. Jar of Beans – Sản phẩm tuyệt vời được tối ưu một cách hoàn hảo
Điều đặc biệt thú vị của Jar of Beans là bạn có thể sử dụng ngay mà cần phải cài đặt. Được gói gọn trong một file exe nhưng phần mềm nhỏ bé này lại khiến nhiều người bất ngờ bởi khả năng xử lý của mình. Dù là những game có đồ hoạt khủng, bạn chỉ cần sử dụng trình hỗ trợ quản lý tăng tốc phần cứng là có thể an tâm mà chơi game một cách mượt mà.
Giao diện ban đầu của Jar of Beans không thật sự hấp dẫn người dùng, nhưng bạn có thể chuyển đổi nhanh chóng lại thành màn hình của hệ điều hành Android quen thuộc. Nhìn chung, đây là một phần mềm giả lập Android trên máy tính hiệu quả và miễn phí, rất đáng để thử sử dụng.
10. Remix OS Player – Sản phẩm của nhà lập trình viên đầy tiềm năng
Điều đặc biệt và cũng là điểm hấp dẫn ở phần mềm Remix OS Player là được viết bởi Jide, người đang là thành viên mới nhưng nổi bật trong mảng giả lập Android. Tác giả đã khá táo bạo khi sử dụng viết hệ thống để chạy tốt trên Android Marshmallow thay vì các phiên bản phổ biến hơn như Lollipop.
Mục đích chính của Remix OS Player là để chơi game nên các tính năng đều xoay quanh vấn đề này. Bạn có thể cài đặt Remix OS Player và chơi game theo cách thông thường ở các phần mềm khác hoặc tùy biến một chút để chạy các trò chơi dưới dạng ô cửa sổ. Nhược điểm chính của phần mềm này là hiện nay chỉ hỗ trợ để chạy trên các máy tính sử dụng bộ vi xử lý AMD.
Nội dung bài viết mà chúng tôi vừa chia sẻ là những phân tích và đánh giá khách quan về “10 phần mềm giả lập Android tốt nhất hiện nay”. Vậy quan điểm của bạn là gì? Liệu bạn sẽ sử dụng phần mềm nào để chơi game trên máy tính, laptop? Hãy cho chúng tôi biết ở phần bình luận bên dưới nhé!